Blog

Thư gửi người em trai đã khuất

Thái Nguyên ngày 05/07/2007

Em trai yêu quý !

Mỗi khi có ai đó hỏi chị “Nhà có mấy anh chị em?” Chị thường nói có một cậu em trai nhưng đã mất. Mọi người tò mò hỏi thêm, chị nói “Em bị bệnh mất”. Chị không muốn kể nhiều về cuộc sống riêng của gia đình mình. Cũng có người nói với chị thế thì không nên nói tới nữa, nhưng chị nghĩ khác. Em là một phần của gia đình mình, em là một thành viên trong đó và mọi người luôn nhớ đến em, nghĩ đến em dù em đã đến một nơi rất xa. Nơi mà bố mẹ và chị không thể nào gặp được.

Mọi người bảo chị hay giàu lòng trắc ẩn thương người, thời đại này đôi khi sự thương cảm, xót xa có lẽ không cần nhiều đến thế. Chị thường hay suy nghĩ, lo lắng khi đọc tin tức về một đứa trẻ bị bỏ rơi, một cụ già không người nương tựa chăm sóc, xót xa khi thấy thiên tai lũ lụt xảy ra ở tận một châu lục khác thiệt hại đến tính mạng con người… Nhưng hơn ai hết chị hiểu rõ đó là chị quá trân trọng sự sống, sự sống của mỗi con người em ạ.

Gia đình mình không bao giờ cảm thấy có từ “số phận” hay “bất hạnh” khi có em sinh ra. Chị chỉ tiếc là thập niên 70 chưa có một số kỹ thuật tiên tiến về y học hiện đại, bởi biết đâu em đã có thể đi lại được nếu ngày ấy như bây giờ. Bố mẹ không bao giờ than thở hay nói về sự vất vả, những đau khổ vì có em.

Khi chị còn bé, ở với bà ngoại, chị không còn nhớ bố mẹ đã đưa em đi chạy chữa ở các bệnh viện trung ương cũng như các thầy lang khắp nơi như thế nào…

Bài tham gia diễn đàn “Nghĩ về Tình và Nghĩa trong đời sống hiện đại”, xin gởi về địa chỉ: Cô Tô Quý Lộc, Công ty VinaGame, 459B Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TPHCM.

– Thư điện tử: Ghi rõ tiêu đề Bài tham gia diễn đàn “Nghĩ về Tình và Nghĩa trong đời sống hiện đại” gởi về địa chỉ email: [email protected]

Đến bây giờ, khi đã có một tổ ấm của riêng mình, chị mới cảm nhận được nghị lực phi thường của bố, nhất là áp lực vô hình về việc sinh con trai nối dõi cho dòng họ và sự nhẫn nại vô bờ của mẹ. Cả em và chị đã được nuôi dưỡng trong một gia đình rất hạnh phúc và chị luôn tự hào về điều này. Bố mẹ đã giấu kín những nỗi buồn, đã vượt qua bao khổ sở vất vả để chăm sóc dạy dỗ hai chị em mình. Bố mẹ đã làm tất cả để cuộc sống của chị em mình hạnh phúc. Cả gia đình mình đều hạnh phúc vì sự có mặt của em trong cuộc đời này.

Em biết không! Chị vẫn thường chỉ vào ảnh và kể cho cháu Bi nghe rất nhiều về cậu. Em đã không được nhìn thấy cháu rất ngoan ngoãn, đáng yêu và đang lớn lên ra sao. Chị cũng không thể ngờ rằng, sau khi chị đi lấy chồng 3 tháng thì em trai của chị đã vĩnh viễn ra đi.

Tuổi 23 vẫn trẻ lắm phải không em? Chị muốn hét vào những người đến nhà và an ủi bố mẹ rằng đó là “sự mát mẻ” là “sự giải thoát”… họ không thể hiểu em ạ. Họ cho rằng có một người con bị tật nguyền là một bất hạnh lớn của gia đình. Họ không hiểu được ý nghĩa của việc có em trong gia đình mình.

Chị vô cùng đau khổ khi trong vòng 4 năm, chị phải xa hai người thân thuộc nhất trong gia đình – bà ngoại và em. Bà ngoại mất khi cu Bi mới hơn 1 tuổi, còn chưa biết nói và gọi Cụ. Nhưng như vậy bây giờ em có Bà bên cạnh đúng không? Nhiều khi chị nghĩ, vậy là em không cảm thấy buồn và cô đơn, em có Bà bên cạnh và mọi người trong gia đình mình vẫn luôn nhớ về em, nghĩ đến em.

Em trai yêu quý của chị! Thời gian và vòng quay cuộc đời vẫn luôn cuốn mọi người vào quỹ đạo của nó nhưng trong gia đình mình em vẫn luôn tồn tại. Em luôn bên cạnh mọi người. Em luôn ở trong bố mẹ và chị. Chị luôn nhớ đến em, đến cậu em trai mà chị vẫn thường ghen tỵ với làn da trắng không bắt nắng mà da chị thì đen thui. Cậu em trai được ở nhà học và đọc đủ thứ trong khi đó chị phải ra ngoài đường lại ảnh hưởng đến da chị nữa…

Em ạ! Gia đình mình vẫn như xưa và chị nghĩ sẽ cố gắng xây dựng cuộc sống của gia đình chị được như mái ấm gia đình mà em và chị đã được sống cùng Bà Ngoại và bố mẹ.

Em thân yêu! Lúc nào hình ảnh của em cũng ở trong mái ấm gia đình mình.

Chị gái của em

Đỗ Thị Thu Thuỷ(TP Thái Nguyên)

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button